Các lệnh linux cần biết để thao tác với đĩa cứng và thư mục

Chia sẻ:

Trong bài viết trước mình đã giới thiệu về cách đặt tên ổ đĩa và cấu trúc thư mục trong Linux. Hôm nay mình sẽ trình bày sơ qua một số lệnh cần biết để thao tác với đĩa cứng và thư mục.

Phân vùng và định dạng đĩa cứng.

Đối với việc phân vùng và định dạng đĩa cứng bạn có thể sử dụng các công cụ có giao diện đồ hoạ. Trong khi cài đặt các distro linux thông thường bạn sẽ sử dụng giao diện đồ hoạ để làm công việc này. Tuy nhiên việc học cách sử dụng lệnh lại rất cần thiết và cơ bản. Bạn sẽ thấy rất hữu ích về sau nếu sử dụng linux trên server.

Phân vùng đĩa cứng.

Để thực hiện việc phân vùng (chia partition) mình xin giới thiệu với các bạn lệnh fdisk (fixed disk). Nó là một công cụ sẵn có trong hầu hết các hệ điều hành và các đĩa cứu hộ. Trong linux để thực thi lệnh fdisk bạn phải có quyền root hoặc sử dụng sudo.

Để liệt kê hết các ổ đĩa cứng và các phân vùng đã chia các bạn gõ lệnh sau:

sudo fdisk -l

Kết quả trong ví dụ của mình như hình bên dưới. Nhìn vào hình các bạn sẽ thấy là mình có 2 đĩa cứng dung lượng 8GB /dev/sda và /dev/sdb (mình sử dụng máy ảo VirtualBox để test nên bạn đừng thắc mắc ở đâu bán ổ đĩa có 8GB). Ổ đĩa sda mình đã tiến hành cài đặt hệ điều hành và phân vùng cho nó rồi còn ổ đĩa /dev/sdb thì chưa. Mình sẽ hướng dẫn phân vùng chi tiết hơn (có video) ở bài “Hướng dẫn chia partition và định dạng ổ cứng bằng fdisk” sau nhé. Bài này chỉ mang tính chất giới thiệu các lệnh cần biết thôi (Thực ra là đang câu nhiều bài để có nhiều nhuận bút hơn =)) ).

Lệnh fdisk

Khi cần dùng lệnh fdisk để tạo phân vùng (chia parttion) cho ổ đĩa /dev/sdb thì bạn gõ lệnh như sau:

sudo fdisk /dev/sdb

Bạn sẽ dược đưa vào giao diện command mode của công cụ fdisk như hình bên dưới. Và tại đó bạn sẽ sử dụng các command cơ bản để thực hiện công việc của mình:

  • p In ra các partition đã chia
  • n Tạo mới partition
  • d Xoá partition
  • q Thoát khỏi fdisk mà không lưu
  • w Lưu những gì đã thực hiện và thoát

Định dạng đĩa cứng.

Sau khi tạo các phân vùng bạn sẽ sử dụng lệnh mkfs để định dạng các phân vùng đó.

sudo mkfs.<định dạng> <phân vùng>

Có nhiều định dạng được hỗ trợ như ext2, ext3, ext4, xfs. Mỗi định dạng có ưu nhược điểm và công dụng khác nhau. Hiện nay đa phần người dùng sẽ định dạng kiểu ext4. Mình sẽ trình bày cụ thể trong bài tiếp theo “Hướng dẫn chia partition và định dạng ổ cứng bằng fdisk“.

Xem dung lượng của đĩa cững.

Để xem dung lượng của đĩa cứng trên máy tính bạn sử dụng lệnh df (disk free):

df -h

Các lệnh cần biết để thao tác với thư mục.

Xem thư mục hiện hành.

Để biết thư mục hiện hành của mình (tức là mình đang mở thư mục nào trong terminal) bạn gõ lệnh pwd (viết tắt của print work directory). Trong ví dụ dưới mình đang ở thư mục home của mình /home/hoang.

Liệt kê các file và folder có trong thư mục.

Để liệt kê các file và folder có trong thư mục đó thì bạn gõ lệnh:

ls -<option>
các option gồm có
-l để liệt kê chi tiết
-s để hiện dung lượng
-a để hiện tất cả các file và folder kể cả file và folder ẩn
Lệnh ls

Trong ví dụ ở hình trên các bạn có thể thấy là khi mình gõ lệnh ls không hiển thị gì cả chính là vì thư mục home của mình chưa có cái gì cả. Khi mình thêm option ls -lsa nó liệt kê hết các file ẩn (File nào được đặt tên có dấu chấm “.” ở đầu là file ẩn), dung lượng file, phân quyền trên file đó.

Di chuyển qua các thư mục khác.

Để di chuyển qua các thư mục khác bạn sử dụng lệnh cd (Change Directory).

cd <đường dẫn đến thư mục cần đến>

Mình đã giới thiệu cấu trúc thư mục hệ thống linux trong bài viết trước. Hiện tại bạn muốn di chuyển đến thư mục nào thì sử dụng lệnh cd và ghi rõ đường dẫn đến nó. Có hai loại đường dẫn:

  • Đường dẫn tuyệt đối: là đường dẫn bắt đầu từ gốc / và chỉ chính xác tới vị trí mà mình muốn tới. Ví dụ: cd /var/log.
  • Đường dẫn tương đối: bạn không cần chỉ rõ từ gốc / ví dụ bạn đang đứng ở thư mục cha là /home thì có thể di chuyển đến thư mục con của nó /home/hoang bằng các gõ lệnh: cd hoang.

Xem nội dung của một file trong thư mục.

Để xem nội dung một file bạn có rất nhiều lệnh có thể thử:

cat <tên file>
nano <tên file>
more <tên file>
less <tên file>
vi <tên file>

Ví dụ mình muốn xem nội dung của file text.txt nằm trong thư mục home của mình thì gõ lệnh:

vi /home/hoang/text.txt
nano /home/hoang/text.txt
cat /home/hoang/text.txt

…. còn nhiều bạn tự thử hết nhé

Xoá file hoặc thư mục.

Muốn xoá file và thư mục thì bạn sử dụng lệnh rm (remove) hoặc thêm 2 option là rm -rf. Lệnh rm -rf rất nguy hiểm nên suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện vì xoá nhầm file thì không lấy lại được đâu.

rm -rf /home/hoang/text.txt

Tạo một thư mục.

Để tạo một thư mục bạn sử dụng lệnh mkdir (make directory).

mkdir /home/hoang/echip

Copy hoặc di chuyển file và thư mục.

Muốn copy thì sử dụng lệnh cp muốn di chuyển thì sử dụng lệnh mv (move). Điểm khác biệt là nếu bạn copy một file A từ chỗ này sang chỗ khác thì bạn sẽ có 2 file A ở 2 nơi. Còn nếu bạn di chuyển thì file A ở chỗ cũ sẽ không còn.

Ví dụ: Lệnh này copy file text.txt trong thư mục /home/hoang tới thư mục /home/hoang/TaiLieu

cp /home/hoang/text.txt /home/hoang/TaiLieu/text.txt

Ví dụ: Lệnh này di chuyển file text.txt trong thư mục /home/hoang tới thư mục /home/hoang/TaiLieu

mv /home/hoang/text.txt /home/hoang/TaiLieu/text.txt

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *